Tiếng Việt - Phương pháp dạy học từ ngữ

Tiếng Việt - Phương pháp dạy học từ ngữ

 PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TỪ NGỮ

I. Vị trí, mục đích và nội dung chương trình từ ngữ

1. Vị trí của việc dạy học từ ngữ ở phổ thông trung học

- Vốn từ, ngữ của một ngôn ngữ dân tộc với ý nghĩa biểu vật và biểu niệm của chúng phản ánh toàn bộ hiện thực khách quan mà ngôn ngữ đó khái quát được. Do đó, ai giàu vốn từ bao nhiêu thì kiến thức của người đó cũng dồi dào bấy nhiêu.

- Trong năng lực ngôn ngữ của một người cụ thể cũng như trong hệ thống ngôn ngữ hành chức, từ ngữ tựa như những viên gạch của lâu đài ngôn ngữ. Song mỗi viên gạch ngữ nghĩa này là một anh chàng khó tính. Anh ta đòi hỏi được người sử dụng sắp xếp vào đúng vị trí mà anh ta có thể tương hợp được với những bạn đồng hành khác. Do đó, dạy học từ ngữ không phải thuần tuý là dạy cho người học hiểu biết về qui tắc sử dụng nhất loạt các đơn vị từ ngữ. Sự tương hợp giữa các từ về ngữ nghĩa cũng như ngữ pháp tuy nằm ở phạm trù lớn hơn nội dung dạy học từ ngữ song cần phải thấy rõ tiềm năng tương hợp này học sinh mới nắm vững được ngữ nghĩa ngữ dụng của từ. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc dạy học từ ngữ.

2. Mục đích của dạy học từ ngữ ở cấp phổ thông trung học là vừa nhằm củng cố những kiến thức về từ vựng tiếng Việt mà các em đã học ở THCS vừa phát triển năng lực lựa chọn và sử dụng từ ngữ.

Mục đích chung của việc dạy học từ ngữ ở trường phổ thông trung học bao gồm mục đích nhận thức và ứng dụng.

Mục đích nhận thức của việc dạy học từ ngữ thể hiện ở việc hình thành cho học sinh thế giới quan khoa học, trang bị những kiến thức cơ bản về từ ngữ tiếng Việt với tư cách là một hệ thống hoạt động chức năng và phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh.

 

doc 9 trang Người đăng thuthuy90 Lượt xem 1370Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Tiếng Việt - Phương pháp dạy học từ ngữ", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TỪ NGỮ
I. Vị trí, mục đích và nội dung chương trình từ ngữ
1. Vị trí của việc dạy học từ ngữ ở phổ thông trung học
- Vốn từ, ngữ của một ngôn ngữ dân tộc với ý nghĩa biểu vật và biểu niệm của chúng phản ánh toàn bộ hiện thực khách quan mà ngôn ngữ đó khái quát được. Do đó, ai giàu vốn từ bao nhiêu thì kiến thức của người đó cũng dồi dào bấy nhiêu. 
- Trong năng lực ngôn ngữ của một người cụ thể cũng như trong hệ thống ngôn ngữ hành chức, từ ngữ tựa như những viên gạch của lâu đài ngôn ngữ. Song mỗi viên gạch ngữ nghĩa này là một anh chàng khó tính. Anh ta đòi hỏi được người sử dụng sắp xếp vào đúng vị trí mà anh ta có thể tương hợp được với những bạn đồng hành khác. Do đó, dạy học từ ngữ không phải thuần tuý là dạy cho người học hiểu biết về qui tắc sử dụng nhất loạt các đơn vị từ ngữ. Sự tương hợp giữa các từ về ngữ nghĩa cũng như ngữ pháp tuy nằm ở phạm trù lớn hơn nội dung dạy học từ ngữ song cần phải thấy rõ tiềm năng tương hợp này học sinh mới nắm vững được ngữ nghĩa ngữ dụng của từ. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc dạy học từ ngữ.
2. Mục đích của dạy học từ ngữ ở cấp phổ thông trung học là vừa nhằm củng cố những kiến thức về từ vựng tiếng Việt mà các em đã học ở THCS vừa phát triển năng lực lựa chọn và sử dụng từ ngữ.
Mục đích chung của việc dạy học từ ngữ ở trường phổ thông trung học bao gồm mục đích nhận thức và ứng dụng.
Mục đích nhận thức của việc dạy học từ ngữ thể hiện ở việc hình thành cho học sinh thế giới quan khoa học, trang bị những kiến thức cơ bản về từ ngữ tiếng Việt với tư cách là một hệ thống hoạt động chức năng và phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh.
3. Nội dung chương trình dạy học từ ngữ
* Lớp 10:
Bài 3: Giản yếu về từ vựng tiếng Việt (3 tiết)
Bài 4: Các biện pháp tu từ từ vựng (3 tiết)
Bài 5: Lựa chọn từ ngữ (2 tiết)
Bài 6: Ôn tập và kiểm tra học kì I (2 tiết)
II. Những cơ sở của việc dạy học từ ngữ
1. Cơ sở ngôn ngữ học
Những thành tựu nghiên cứu về từ tiếng Việt là cơ sở chủ yếu cho việc xác định nội dung tri thức khoa học cũng như các kĩ năng về từ ngữ.
a/ Trước tiên, từ và các ngữ cố định là đơn vị của ngôn ngữ, với tư cách là một hệ thống tín hiệu. Bản chất là thành viên của hệ thống ngôn ngữ, là cơ sở chung để chúng ta phải xét từ trong toàn bộ cơ cấu và hoạt động của hệ thống. Dạy học từ ngữ không thể xem xét từ ngữ một cách cô lập mà phải thấy được hoạt động của nó, mối quan hệ của nó với các đơn vị nhỏ hơn và những đơn vị lớn hơn. Với tư cách là một tín hiệu, từ là một đơn vị hai mặt: mặt biểu hiện và mặt được biểu hiện. Những tri thức về cấu tạo từ tiếng Việt và quan hệ giữa chúng với nghĩa của từ, những hiểu biết về ngữ nghĩa từ tiếng Việt là cơ sở khoa học chính yếu tạo nên nội dung dạy học từ ngữ trong chương trình phổ thông trung học.
b/ Nghĩa của từ là một hệ thống. Từ nào cũng có nghĩa. Nghĩa của từ là sự kết hợp chặt chẽ giữa nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp. Nghĩa từ vựng bao gồm nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu thái. Nghĩa biểu thị tên sự vật hiện tượng, tính chất, trạng thái, hoạt động, tính chất...được gọi là nghĩa biểu vật. Nghĩa biểu vật của từ qui định phạm vi sự vật mà từ được sử dụng. Nghĩa biểu niệm của từ là những hiểu biết mà từ gợi ra về sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất, trạng thái...được gọi tên. Trong khi gọi tên hiện thực khách quan, biểu thị quan niệm về hiện thực khách quan ấy, con người bày tỏ thái độ, tình cảm với hiện thực được nói tới, đồng thời biểu lộ thái độ trọng khinh đối với người nghe, người đọc. Đó là nghĩa biểu thái của từ. Trong ba loại nghĩa trên của từ, nghĩa biểu niệm lại là một hệ thống được tạo thành bởi nhiều nét nghĩa có quan hệ với nhau.
c/ Nghĩa của từ là một yếu tố trong hệ thống từ vựng. Từ trong hệ thống ngôn ngữ không tồn tại cô lập mà luôn luôn nằm trong mối quan hệ với các từ khác. Mối quan hệ này được thể hiện ở ba dạng: quan hệ ngữ nghĩa, hệ thống từ loại và quan hệ giữa chúng với các từ khác trong ngôn bản và các yếu tố của hoạt động giao tiếp. Đặc biệt lưu ý trong quan hệ này là quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ trong hệ thống từ vựng. Xét về quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ, ta có các mối quan hệ: đồng nghĩa, trái nghĩa, cùng trường. Tiếp theo, cần lưu ý ý nghĩa của từ được cụ thể xác định và biến đổi trong hoạt động giao tiếp (tức trong quan hệ với ngôn bản và với các nhân tố giao tiếp) Trong ngôn bản, nghĩa rất chung của từ sẽ chuyển thành nghĩa trong ngôn bản. Nghĩa biểu vật của từ sẽ ứng với sự vật được nói tới chỉ sự vật cá thể hay chỉ loại sự vật. Nghĩa biểu niệm của từ sẽ ứng với khái niệm cá thể nếu từ chỉ vật cá thể, ứng với khái niệm loại nếu từ chỉ cả loại sự vật. Nghĩa biểu thái của từ cũng có sự thay đổi. Trong ngôn ngữ, từ có thể không có nghĩa biểu cảm đặc biệt nhưng trong ngôn bản có thể có nghĩa biểu cảm tốt hay xấu. Mặt khác , cũng chính trong ngôn bản, trên cơ sở cái nền chung về nghĩa của từ, người viết hoặc người nói có thể góp phần sáng tạo thêm nghĩa mới cho từ. Đó là trường hợp sử dụng từ của các nhà văn, nhà thơ lớn, có tên tuổi, có phong cách ngôn ngữ cá nhân của mình.
Từ ngữ được sử dụng trong ngôn bản thuộc một phong cách chức năng cụ thể. Có những từ đa phong cách và có những từ đơn phong cách. Từng phong cách đòi hỏi một số “khuôn mẫu” riêng về dùng từ, ví như từ trong phong cách khoa học cần đơn nghĩa, trung hoà về sắc thái biểu cảm, có tính trừu tượng khái quát cao. Đặc trưng cho phong cách khoa học là việc sử dụng hệ thống thuật ngữ trong các ngành khoa học. Việc hiểu đặc trưng phong cách của từ ngữ sẽ góp phần biến từ ngữ thụ động thành vốn từ tích cực của học sinh.
2. Cơ sở tâm lí - ngôn ngữ học
Từ được nhận thức, được tích luỹ và sử dụng theo một qui luật tâm lí nhất định nên những qui luật này là cơ sở đáng tin cậy cho việc dạy học từ ngữ.
a/ Nghĩa của từ và hoạt động.
Sự hình thành và phát triển nghĩa của từ chỉ xảy ra trong hoạt động. Thông qua hoạt đông lao động, hoạt động nhận thức và cải tạo hiện thực khách quan, con người ngày càng nhận thức ra các sự vật, hiện tượng và đặc trưng của chúng. Kết quả nhận thức này được biểu hiện trong tên gọi (nghĩa biểu vật) và quan niệm về chúng (nghĩa biểu niệm). Về mặt nhận thức ý nghĩa của từ cũng vậy, để hiểu nghĩa của từ, con người cũng cần thông qua hoạt động và trong quá trình đó mới tiếp xúc, hiểu biết bản chất của hiện thực, nắm vững các khái niệm và tên gọi của chúng - từ ngữ. Không có hoạt động, hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức, con người không thể nào chiếm lĩnh được khái niệm và theo đó cũng không bao giờ có một vốn từ cần thiết và khả năng sử dụng chúng. Hoạt động giao tiếp là hoạt động đặc trưng của con người, có quan hệ trực tiếp đến sự hình thành và phát triển năng lực ngôn ngữ nói chung, năng lực từ ngữ nói riêng. Con người học từ, trước hết là học trong thực tiễn giao tiếp. Chính văn cảnh, hoàn cảnh đó từ mới xuất hiện sẽ là động cơ thúc đẩy người nghe, người đọc dần dần đoán nhận ra nội dung ngữ nghĩa, qua đó mà “chiếm lĩnh” từ ngữ mới vào vốn liếng riêng của mình.
b/ Sự tích luỹ và sử dụng từ ngữ.
Vốn từ vựng của mỗi người ngày càng được tích cực hoá, được phát triển. Chúng không phải là một tập hợp hỗn độn, cô lập với nhau mà là một hệ thống chặt chẽ và hoạt động một cách có qui luật. Trong đầu óc của con người, từ được sắp xếp theo các lớp hạng trên cơ sở những mối liên hệ đồng nhất và đối lập giữa chúng với nhau. Các nhà tâm lí ngữ học đã tiến hành nhiều thí nghiệm khác nhau và đều dẫn đến kết luận trên. Đó là sự tích luỹ và sử dụng từ ngữ diễn ra trên hai trục tưởng tượng: trục liên tưởng và trục kết hợp.
Như vậy là sự phân tích từ góc độ tâm lí về mặt tiếp cận, tích luỹ từ ngữ rất thống nhất với sự phân tích bản thân hệ thống từ vựng của ngôn ngữ. Từ ngữ trong đầu óc của mỗi người là một bản sao, một biểu hiện của hệ thống từ vựng. Tất nhiên, “bản sao” này trong từng người có khác nhau và không thể hoàn toàn đầy đủ như hệ thống từ vựng của ngôn ngữ.
III. Nguyên tắc dạy học từ ngữ.
Ở phần lí luận chung, ta đã bàn đến những nguyên tắc dạy học tiếng Việt. Các nguyên tắc đó là cơ sở lí thuyết chung, chi phối toàn bộ việc tổ chức dạy học tiếng Việt. Tuy vậy, mỗi phân môn có những đặc trưng riêng, đòi hỏi một cách tiếp cận thích hợp theo nguyên tắc trực quan, nguyên tắc hệ thống, nguyên tắc chức năng, nguyên tắc lịch sử.
IV. Phương pháp dạy học lí thuyết và luyện tập từ ngữ
Các bài học về từ ngữ trong sách giáo khoa nhìn chung đều chia làm hai phần: trang bị những tri thức lí thuyết và luyện tập để củng cố khắc sâu lí thuyết, hình thành kĩ năng sử dụng từ ngữ. Các bài ôn tập đều thuộc thành phần thứ hai. Giữa dạy học phần lí thuyết và dạy học phần thực hành luyện tập tuy gắn bó hữu cơ với nhau song mỗi phần có một yêu cầu và cách thức thực hiện riêng. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng hai phần này gắn bó hữu cơ với nhau trong một bài học.
Khó có thể có một khuôn mẫu duy nhất cho mọi giáo án dạy học tiếng nói chung và từ ngữ nói riêng. Tuy nhiên, sau đây là những thao tác có tính chất bắt buộc đối với một giáo án từ ngữ.
1. Phương pháp dạy lí thuyết từ ngữ.
a/ Công việc chuẩn bị của giáo viên
Để có thể lên lớp một bài học, giáo viên phải nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu tham khảo nhằm nắm vững nội dung, yêu cầu của bài học.
+ Bài học gồm bao nhiêu đơn vị kiến thức; trật tự sắp xếp logic của chúng?
+ Các kiến thức liên quan?
- Dự kiến các tình huống và phương pháp giảng dạy
b/ Giới thiệu bài mới, tạo tâm thế tiếp nhận cho học sinh.
Có nhiều cách giới thiệu bài mới nhưng chủ yếu và phổ biến nhất là phương pháp thông báo - giải thích. Để hiện thục hoá phương pháp này, giáo viên có thể dùng hình thức diễn giảng thông báo cho học sinh nắm được vấn đề kiến thức cần nghiên cứu và ý nghĩa của nó. Khi thuyết giảng, cần căn cứ vào các tri thức đã có của học sinh rồi trên cơ sở đó mà hướng học sinh tiếp cận tới vấn đề sẽ được nghiên cứu trong bài học. Chẳng hạn, dạy về cách sử dụng từ ngữ, giáo viên có thể mở đầu bằng cách sau: từ ngữ khi nằm ngoài văn cảnh thường có sắc thái trung hoà, nhưng khi tham gia vào phát ngôn cụ thể, chúng có thêm ý nghĩa biểu thị thái độ, tình cảm nhờ quan hệ với các từ ngữ khác. Từ "em' trong bài ca dao sau có thêm ý nghĩa nhờ quan hệ với từ "ta":
Có oản anh tình phụ xôi
Có sông phụ suối có người phụ ta
Có quán tình phụ cây đa
Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn
Có mực anh tình phụ son
Có kẻ béo tròn anh phụ nhân duyên
Có bạc anh tình phụ tiền
Có nhân nghĩa mới anh quên em rồi !
c/ Chọn mẫu lời nói.
Các khái niệm, qui tắc được rút ra trên cơ sở các mẫu lời nói (tức các ví dụ, các tài liệu ngôn ngữ được sử dụng trong bài học). Việc lựa chọn và giới thiệu mẫu lời nói có ảnh hưởng tương đối lớn đến quá trình hình thành tri thức mới cho học sinh. Mẫu lời nói có thể được sử dụng để giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát, phân tích nhằm phát hiện ra tri thức mới, cũng có thể làm tài liệu để giáo viên (hoặc học sinh) phân tích nhằm minh hoạ, khắc sâu kiến thức mới. Mẫu quan trọng như vậy nên việc lựa chọn mẫu cần phải thoả mãn các yêu cầu sau đây:
- Chứa hiện tượng từ ngữ cần nghiên cứu với đầy đủ các đặc trưng cơ bản của tri thức mới cần hình thành.
- Ngắn gọn và có tần số sử dụng cao trong bài dạy. Ngắn gọn để tiết kiệm thì giờ viết mẫu và đọc mẫu, để học sinh dễ phát hiện ra hiện tượng ngôn ngữ cần nghiên cứu
- Mẫu phải đảm bảo tính giáo dục, có thật trong hoạt động ngôn ngữ.
d/ Phân tích mẫu và rút ra kết luận
Mẫu có thể được sử dụng cho phương pháp thông báo - giải thích, cũng có thể được sử dụng cho phương pháp phân tích ngôn ngữ. Phân tích mẫu trong mối quan hệ với tri thức mới cũng có thể theo con đường qui nạp hoặc con đường diễn dịch. Dạy lựa chọn từ ngữ, ta phải chọn mẫu phản ánh đặc trưng của ngôn ngữ văn chương và hướng dẫn học sinh tiếp cận, phân tích một cách khoa học nhằm chỉ ra cho được 3 điểm kiến thức:
- Tính chính xác
- Tính truyền cảm
- Tính hình tượng
đ/ Những vấn đề nội dung lí thuyết từ ngữ:
Dạy nghĩa từ ngữ là một nội dung cần lưu ý trong chương trình từ ngữ THPT, đặc biệt là trong đợt thay sách sắp tới theo hướng giảm nhẹ lí thuyết, tăng cường thực hành. Muốn dạy thực hành từ ngữ tốt, giáo viên cần củng cố tri thức từ vựng - ngữ nghĩa, nhất là nghĩa của từ ngữ.
a/ Một số vấn đề về nghĩa của từ ngữ.
- Nghĩa của từ là cái được biểu đạt trong mỗi từ. cái được biểu đạt ấy có thể là sự vật, hiện tượng, con người, động vật, hoạt động, tính chất, trạng thái, sự nghi vấn, sự xúc cảm, số lượng...tồn tại trong thế giới khách quan.Đó là toàn bộ những nội dung tinh thần, bao gồm những hiểu biết có tính chất trí tuệ, những thái độ, những tình cảm, cảm xúc mà một đơn vị từ vựng nào đó có thể gợi cho tất cả các thành viên trong cùng một cộng đồng ngôn ngữ.
- Chức năng của từ về mặt ngữ nghĩa:
+ Chức năng biểu vật (biểu thị sự vật, hiện tượng, sự việc tồn tại trong thế giới khách quan). Về nguyên tắc, từ tương ứng với một thực tế khách quan nào đó, ta gọi từ có chức năng biểu vật.
• Lưu ý: ngôn ngữ > 1 = đớp, xơi, ăn, dùng...= manger = to eat, to have
• Lưu ý: ngôn ngữ < 1 = phấn = craie, poudre, pétale
• Lưu ý: thực tế khách quan là duy nhất đối với mọi dân tộc, nhưng ngôn ngữ của từng dân tộc lại chia cắt nó theo kiểu riêng của mình.
è đưa đồ dùng vào cơ thể qua miệng = ăn (cứng), hút (hơi, lỏng qua một vật dụng hình ống), uống (lỏng) đối với người Việt.
è đưa đồ dùng vào cơ thể qua miệng = kin, đối với người Tày, người Lào
è đưa đồ dùng vào cơ thể qua miệng = cha (món nấu, luộc), pá (nhai nhả bả), đáh (thịt, cá), moóc (món nướng) đối với người Cơtu.
Cách chia cắt hiện thực khách quan là biểu hiện của tính dân tộc qua ngôn ngữ dân tộc. Ý nghĩa biểu vật của từ là số lượng được xác định một cách tương đối. Nghĩa là một từ được dùng với một số ý nghĩa biểu vật quen thuộc, lặp đi lặp lại và những ý nghĩa biểu vật lặp này có thể được ghi nhận trong từ điển. Nhưng khi chúng được sử dụng bởi các nhà thơ, nhà văn, chúng còn có thể chỉ những sự vật khác mà có khi chúng ta không đoán được do sự sáng tạo riêng của họ. Ví dụ: lửa, thứ có nhiệt độ cao, gây cháy, có sức thiêu huỷ.
• Con là lửa ấm trong đời mẹ mãi (Phạm Tiến Duật nói về nguồn an ủi của mẹ)
• Ôi đâu phải qua đoạn đường lửa bỏng (Tố Hữu nói về thời kì chiến tranh khốc liệt)
Nếu như trong lòng hệ thống ngôn ngữ, cùng sự vật, hiện tượng có những tên gọi khác nhau (đồng nghĩa) thì trong phạm vi lời nói, sự vật hiện tượng có thể được định danh lại, được mang ý nghĩa một cách tạm thời. Định danh lại bằng cách lấy tên gọi của một sự vật hiện tượng khác để gọi thay cho một cái tên nào đó vốn có.
• Hai mươi bốn mùa xuân dân tộc (năm độc lập)
Mỗi độ tết sang thư Bác chúc mừng
Vít đầu hai Hung nô xâm lược
Ơn Bác nghìn thu sông núi lẫy lừng.
Nhờ chức năng biểu vật và khả năng định danh mà từ ngữ đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với nhận thức và tư duy. Chúng ta có thể biểu thị sự vật bằng nhiều hệ thống tín hiệu khác nhau nhưng duy chỉ có ngôn ngữ mới có khả năng vừa biểu vật vừa định danh. Chẳng hạn, xanh-vàng-đỏ không phải là tên gọi của các hiện tượng lưu thông mà đi-đi chậm-đứng lại mới là tên gọi của các hiện tượng giao thông. Màu xanh tương đương với vỏ ngữ âm của đi và hiện tượng được đặt tên do cộng đồng lưu thông gán cho nó. Nếu như không có tên gọi các hiện tượng lưu thông thì tình hình lưu thông sẽ lộn xộn. Các tên gọi làm tư duy ta trở nên sáng sủa. Nó khắc hoạ sự vật, hiện tượng này và tự phân biệt với các sự vật, hiện tượng khác. Tên gọi là người đại diện cho sự vật trong tư duy. Nhờ tên gọi ta mới có thể tư duy trừu tượng. Có thể nói, sự vật nhờ tên goi mà trở nên có cá tính. Nếu không có tên gọi, sự vật trở nên mơ hồ, tư duy trở nên hỗn độn. Và nghiêm trọng hơn, mặc dù ta cảm được sự vật, hiện tượng song ta vẫn không ý thức được sự vật hiện tượng. Tóm lại, biểu vật là biểu thị sự vật, đặt tên sự vật và miêu tả sự vật.
+ Chức năng biểu niệm.
Các từ vừa chỉ các sự vật hiện tượng, đồng thời lại thông báo cho chúng ta những hiểu biết có tính chất trí tuệ về sự vật, hiện tượng. Chúng ta gọi khả năng của các từ gợi ra những hiểu biết về sự vật, hiện tượng là chức năng biểu niệm.
+ Chức năng biểu thái.
Ngoài biểu vật và biểu niệm, từ còn có khả năng biểu thái, khả năng bộc lộ tình cảm, thái đội, cách đánh giá của chúng ta đối với người, sự vật, hiện tượng đang nói tới.
- Cấu trúc nghĩa của từ.
+ Trong các ý nghĩa biểu vật, biểu niệm, biểu thái thì ý nghĩa biểu niệm là loại có cấu trúc đáng lưu ý hơn cả.
+ Chúng ta có thể tiếp tục phân hoá các ý nghĩa biểu niệm có tính chất khái quát thành những ý nghĩa biểu niệm nhỏ hơn. Và mỗi ý nghĩa biểu niệm nhỏ hơn đó lại được phân chia thành những ý nghĩa biểu niệm nhỏ hơn nữa, và cứ thế cho đến khi không thể phân hoá được nữa. Ý nghĩa biểu niệm nhỏ nhất này được gọi là nét nghĩa
+ Mỗi ý nghĩa biểu niệm của từ được xem như là một tập hợp của các ý nghĩa biểu niệm nhỏ hơn, tức của các nét nghĩa. Có thể nói phân tích ý nghĩa biểu niệm thành các nét nghĩa giúp chúng ta phân biệt được ý nghĩa của từ này với từ khác. Từ đó, hiểu ý nghĩa từng từ đầy đủ hơn, chính xác hơn. Nó cũng là cơ sở để giải thích các hiện tượng ngôn ngữ khác về mặt ngữ nghĩa.
- Quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ trong hệ thống từ vựng.
+ Quan hệ cùng trường: Tập hợp những từ có cùng chung một nét nghĩa nào đó được gọi là một trường từ vựng – ngữ nghĩa. Và các từ trong tập hợp đó có quan hệ cùng trường.
+ Ngoài quan hệ cùng trường, từ trong hệ thống từ vựng còn có quan hệ đồng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa, đồng âm.
2. Phương pháp dạy thực hành từ ngữ
Lý thuyết từ ngữ chỉ thực sự trở thành tri thức riêng của học sinh khi lí thuyết đó tỏ ra có hiệu lực, giúp học sinh thực hành tốt từ ngữ trong giao tiếp bằng ngôn bản nói hoặc viết.
Luyện tập thực hành trong môn Tiếng Việt cũng như các bộ môn khoa học khác, có tác dụng làm cho học sinh nắm vững khái niệm, hiểu sâu sắc khái niệm hơn. Bằng thực hành, học sinh được trực tiếp hoạt động, các em có điều kiện tự mình phát hiện lại tri thức, vận dụng tri thức vào giải quyết các hiện tượng từ vựng trong ngôn ngữ và lời nói. Thông qua quá trình vận dụng và phát hiện này mà tri thức các em được chính xác, củng cố và khắc sâu hơn.
a/ Bài tập từ ngữ tiếng Việt nên là một hệ thống đa dạng, đủ về số lượng, phù hợp với mục đích giảng dạy và trình độ của học sinh. Sau đây là một số kiểu thường gặp:
- Bài tập nhận diện hiện tượng từ vựng được học trong câu, đoạn văn, văn bản. Đây là loại bài tập yêu cầu thấp nhất nhằm làm cho học sinh nhớ lại tri thức đã học về từ vựng.
- Bài tập tái hiện là loại bài tập học sinh phải tự nghĩ ra các ví dụ để minh hoạ hiện tượng từ vựng mới được học trên cơ sở vốn ngôn ngữ của mình.
- Bài tập phân loại, qui loại nhằm kiểm tra năng lực khái quát hoá các hiện tượng từ vựng. Loại bài tập này buộc học sinh phải huy động hiểu biết trong một phạm vi tương đối rộng nhằm so sánh đối chiếu các hiện tượng để qyi chúng về từng nhóm.
- Phân tích vai trò đặc điểm và hiệu quả biểu đạt của các hiện tượng từ vựng trong văn bản. Ví dụ:
Phân tích giá trị của các ẩn dụ trong cuốn sách Đời sống sinh vật biển:
+ Những kẻ đánh cắp lửa Mặt trời (thực vật)
+ Những hang hốc trong bùn và ngôi nhà bằng vỏ ốc.
+ Những đôi bạn vàng (động vật biển cộng sinh)
+ Thế giới của những cánh buồm (loài sứa).
+ Hùm xám đại dương (cá mập).
+ Thần chết áo trắng (cá mập trắng)
+ Hạm đội tàu ngầm phản lực (loài mực).
+ Cung điện của Thuỷ tề (san hô).
- Bài tập điền từ và thay thế từ
- Bài tập đặt câu, đoạn văn với những hiện tượng từ vựng được học (từ, ngữ, biện pháp tu từ từ vựng...)
b/ Công việc chuẩn bị của giáo viên
- Xác định được các dạng bài tập, mục đích yêu cầu của chúng.
- Giải trước cẩn thận tất cả các bài tập dự kiến sẽ luyện tập, dự kiến các
tình huống sư phạm
- Vạch kế hoạch về biện pháp tiến hành các bài tập
c/ Tổ chức luyện tập trên lớp:
- Cho học sinh đọc lại bài tập để cả lớp nắm được nội dung bài tập.
- Học sinh xác định yêu cầu, nhiệm vụ cần phải thực hiện.
- Học sinh giải bài tập
- Thầy giáo nhận xét, đánh giá.
Gợi ý thảo luận:
1. Nhận xét bố cục của loạt bài từ ngữ ở lớp 10.
2. Soạn giảng bài “Giản yếu về từ vựng tiếng Việt”
2. Soạn giảng bài “Các biện pháp tu từ từ vựng”
3. Lí thuyết hoạt động ngôn ngữ (trên trục liên tưởng và trục kết hợp) với việc soạn giảng bài “Lựa chọn từ ngữ”.

Tài liệu đính kèm:

  • docphuong phap day hoc tu ngu.doc